NHỮNG ĐỔI MỚI CƠ BẢN CỦA MÔN NGỮ VĂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI
Hiện nay, Đề án đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa phổ thông đã bước vào giai đoạn then chốt: đưa các bộ sách giáo khoa biên soạn mới vào thực tế giảng dạy. Bắt đầu từ năm học 2021 – 2022, bộ sách giáo khoa theo chương trình GDPT mới sẽ được triển khai đến lớp 2 và lớp 6 với rất nhiều điều chỉnh, thay đổi và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tất cả các nhà trường.
Với vai trò là Chủ biên chương trình Ngữ văn của chương trình GDPT 2018, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống – tác giả tham gia biên soạn nhiều bộ SGK Ngữ văn THCS, THPT sắp tới đã có những chia sẻ và bàn luận tập trung, trọng điểm cùng các trường phổ thông về những điều chỉnh then chốt của Chương trình môn Ngữ văn sắp tới. Trong đó, những điều chỉnh mới được tập trung vào các vấn đề cơ bản: Đặc điểm của chương trình, Mục tiêu, Yêu cầu cần đạt (Chuẩn đầu ra) và đặc biệt là Định hướng về phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn theo chương trình mới.
Trong buổi tập huấn tại Hệ thống Trường Liên cấp Newton – Pascal ngày 25/02/2021 vừa qua, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh về tính cấu trúc, bản chất của chương trình Ngữ văn mới được thiết kế, xây dựng theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Theo đó, với sự mở rộng, linh hoạt, phong phú về nội dung, ngữ liệu dạy học, chương trình môn Ngữ văn mới tạo điều kiện để các thầy cô giáo có cơ hội tìm tòi, sáng tạo về những phương pháp giảng dạy hiện đại. Cùng với đó, tiếp cận chương trình mới, học sinh được tập trung phát triển 04 kĩ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết. Đây sẽ là trục dọc xuyên suốt chương trình Ngữ văn của cả 3 cấp học nhằm tập trung hình thành cho học sinh những phẩm chất, năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Để cụ thể hóa những nội dung được đề cập trong chương trình tổng thể, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã giới thiệu đến các thầy cô những bộ sách giáo khoa sẽ được triển khai trong năm học tới. So với bộ sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành, bộ SGK mới có sự khác biệt rõ về thiết kế cấu trúc bài học, tập trung thực hiện tích hợp nhằm phát triển năng lực và hướng tới giảm tải. Với bộ sách mới này, các thầy cô cần lưu ý tới sự linh hoạt trong quá trình sử dụng, tính mở của chương trình và sự sáng tạo của người dạy.
(PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ với giáo viên hệ thống Trường Newton – Pascal về Những đổi mới của chương trình Ngữ Văn 2018)
Trong buổi tập huấn, gần 100 giáo viên hiện đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Tiếng Việt, Ngữ văn từ 3 cấp học Tiểu học – THCS – THPT của Trường Newton – Pascal đã có cơ hội được chia sẻ những băn khoăn và đề xuất về chương trình mới; những suy nghĩ, trăn trở về phương pháp giảng dạy và định hướng kiểm tra đánh giá sắp tới. Những thắc mắc này cũng đã được PGS.TS Đỗ Ngọc Thống giải đáp, gợi mở hướng khai thác. Nói về sự đổi mới SGK cũng như chương trình học môn Ngữ Văn, cô Lương Ngọc Mai (Khối trưởng môn Ngữ văn 7 – Trường THCS-THPT Newton) chia sẻ: “Sự thay đổi bộ sách giáo khoa mới thực sự rất cần thiết vì nội dung chương trình được xây dựng hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”.
Trong bối cảnh hiện nay, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học 2020 – 2021. Thiết nghĩ, để có thể triển khai hiệu quả chương trình SGK mới cho khối lớp 2 và lớp 6, các nhà trường rất cần có sự chuẩn bị và tập huấn sâu kỹ tới từng giáo viên. Bởi việc thay sách giáo khoa luôn luôn gắn liền với sự đổi mới về quan điểm dạy học, mục tiêu, sự sáng tạo trong phương pháp dạy học và những thay đổi về kiểm tra – đánh giá. Đó sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các thầy cô giáo và đòi hỏi các nhà quản lý cũng cần sẵn sàng đổi mới để cùng kiến tạo một môi trường giảng dạy, học tập năng động, cởi mở, hiện đại.
Các buổi tập huấn nâng cao nghiệp vụ, rút kinh nghiệm cho nhau, đón kế hoạch mới, tiếp nhận chương trình mới,… luôn được Hệ thống Trường Newton – Pascal trang bị từ rất sớm để giáo viên có thời gian chủ động vận dụng và sáng tạo luôn, ngay từ khi đang giảng dạy chương trình sách giáo khoa hiện tại.
- Minh Thanh –