Háo hức tìm đề tài, tìm kịch bản rồi thầy trò cùng nhìn nhau để tìm cho ra tài năng đang tiềm ẩn trong mỗi cá nhân để phân công trước khi bắt tay vào dựng vở. Đó là sự bắt đầu của một quá trình sáng tạo tập thể, cũng là hành trình sáng tạo của mỗi học sinh khi được nhận nhiệm vụ của mình.
Làm sao để tiết mục của lớp mình “lọt” qua vòng sơ khảo? Làm sao để cái tên của lớp mình, của cá nhân mình gắn mãi với vở diễn này, với mùa sân khấu hóa này và để lại dư âm qua nhiều mùa sâu khấu sau khi mình ra trường? Ai ai cũng nghĩ vậy, cũng nhủ vậy để cùng cố gắng!
Đó là cơ hội, là vinh dự, đó cũng là thử thách lớn! Và trong 6 năm qua, chương trình Gala sân khấu hóa tác phẩm văn học đã tạo cho các thế hệ học sinh trường THCS – THPT Newton một sân chơi thật thú vị và đầy hấp dẫn. Nhà giáo Lê Thị Chính – Hiệu trường Nhà trường đã khẳng định “Đây là một cách dạy Văn và học Văn rất hiệu quả của thầy và trò trường THCS – THPT Newton”.
Với tinh thần “Đưa cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống”, Gala sân khấu hóa là một hình thức vận dụng cao trong các cấp độ tư duy của dạy và học (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Và Gala sân khấu hóa tác phẩm văn học mùa 6 đã có thêm nhiều tài năng mới, nhiều bản sắc mới khiến khán giả ngỡ ngàng vì nhiều tiết mục đã vươn tới quy mô hoành tráng của một sân khấu lớn.
Không chỉ làm mới những gì đã quá quen mòn như truyện cổ tích Tấm Cám và lấn sâu vào lãnh địa của những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều (Trích đoạn Trao duyên – Nguyễn Du), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Trẻ con không được ăn thịt chó (Nam Cao), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), thầy cùng trò còn mạnh dạn làm mới, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” như Thương vợ (Tú Xương), Từ ấy (Tố Hữu), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên), Thơ Haiku của Masuo Baso, Đẻ Đất Đẻ Nước (sử thi dân tộc Mường)…
Bất ngờ, lôi cuốn, hấp dẫn, bừng tỏa và xúc động, tự hào. Đó là tâm trạng chung của khán giả khi đến chương trình.
Trong tiếng cồng chiêng trầm hùng vang vọng của tốp múa phụ họa, qua lời kể hào sảng của nhân vật thầy mo (tiết mục của lớp 10A2), khán giả được trở về với thời hồng hoang, thuở khai thiên lập địa, thời Đẻ Đất Đẻ Nước (sử thi của dân tộc Mường) và lắng nghe tiếng lòng của đồng bào dân tộc ở Mường Ống, Mường Ai, Mường Khô, Mường Rặc, Mường Khang, Mường Khọi… về sự hiện diện của mình từ khi xuất hiện núi Lai Li, Lai Láng, núi Thần, núi Mẹ, cây “Chu đá, lá chu đồng, bông lau, quả thiếc”…
Tiết mục Đẻ Đất Đẻ Nước – lớp 10A2
Học và biết về vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống cũng đã nhiều, nhưng khi đến với hình tượng bà Tú trong Thương vợ của Tú Xương (tiết mục của lớp 11A4), người xem mới nhận ra thêm gánh nặng trên đôi vai gầy của người vợ ấy đâu chỉ là chuyện áo cơm đơn thuần, đó còn gánh nặng của những bi kịch “học tài thi phận” trong cơn hấp hối của chế độ thi cử cuối mùa, cái ngao ngán “Nhân tài đất Bắc nào ai đó/Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà” của thi sĩ đất thành Nam thời mất nước… Diễn viên trong vai ông Tú đã thể hiện thành công tâm trạng chua chát, đắng đót và cái nhìn ái ngại, xót xa của Tú Xương khi phải “sống nhờ lương vợ”, và diễn viên trong vai bà Tú cũng thể hiện vẻ đẹp bình thường mà phi thường của người vợ khi chấp nhận “Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công”để bươn chải giữa chốn chợ đời để nuôi nấng và bảo vệ tổ ấm gia đình trong thời buổi khó khăn. Người ta thấy rõ một Tú Xương đã dũng cảm trút bỏ cái áo gia trưởng lỗi thời để làm một Tú Xương ân tình ân nghĩa giữa đời thường.
Gala sân khấu đã thực sự trở thành môi trường để học sinh tâm sự với bạn diễn, với người xem về những trải nghiệm của minh qua học văn và hiểu văn.
Tiết mục Thương vợ – 11A4
Và Thơ Haiku của Masuo Baso (Nhật Bản) – một chùm thơ trong Ngữ văn 10 – xuất hiện trên sân khấu đã làm người xem thảng thốt. Thưởng thức thơ Haiku của Baso không dễ, phải thưởng thức bằng trái tim, khối óc, bằng cả trí tưởng tượng và cả trực giác của người biết cảm thụ nghệ thuật. Hiểu được hoài bão, khát vọng và tài năng cùng những hi sinh của ông vì nghệ thuật cũng không đơn giản. Nhưng tập thể lớp 10G1 đã dẫn khán giả du ngoạn khắp đất nước Phù Tang cách nay gần 700 năm, chỉ cho khán giả thấy những nơi dấu chân ông đã in, mồ hôi và cả những giọt lệ lặng thầm của ông đã chảy, không chỉ trên những chặng đường, những cánh đồng và cả trên số phận khổ đau của đất nước ông một thời…Vở diễn kết lại trong tiếng thổn thức của đứa con xa quê không kịp về gặp mẹ lần cuối và giây phút nâng trên tay mớ tóc sương mà mẹ gửi lại, tình mẫu tử đã mênh mang in bóng trên trang thơ Matsuo Baso để trở thành mãi mãi…
Tiết mục Thơ Haiku của Matsuo Baso
Đất nước đang vào xuân. Tương lai phía trước đang rộng mở. Vị thế của Việt Nam đang ngày một nâng cao trên trường quốc tế. Những vần thơ cách mạng, những vần thơ về đất nước, về dân tộc, về lãnh tụ, về lí tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ đã tỏa sáng đẹp đẽ, chói lòa âm vang không khí sử thi trên sân khấu trường Newton. Một Tố Hữu “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” và “sáng mắt, sáng lòng” khi “Mặt trời chân lí chói qua tim” để rồi bừng sáng những nhận thức mới, những tình cảm mới khi được sống trong những quan hệ ruột thịt mới của cái ta chung:“là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm cù bất cù bơ”. Tiết mục của lớp 11A3 đã khiến thầy cô và các bậc phụ huynh chợt hiểu: từ bài thơ trữ tình chính trị Từ ấy (Tố Hữu), tuổi trẻ hôm nay vẫn luôn hướng về Đảng, một lòng đi theo Đảng, với niềm tin mãnh liệt và khao khát cống hiến. Qua tiết mục này, mới hay sức sáng tạo của học sinh về một bài thơ tưởng chừng như khô khan, chính trị nhưng lại thật đời thường, thật nhân văn và phong phú tình cảm riêng chung của tình hữu ái giai cấp.
Tiết mục Từ ấy – 11A3
Nhưng tạo nên dư vang ấn tượng nhất, sâu lắng nhất, xúc động nhất, tự hào nhất và thăng hoa nhất của chương trình Gala mùa 6 chính là sự sáng tạo độc đáo của hai tập thể 11G1 và 11G2 với hai tuyệt phẩm của thơ ca Cách mạng : Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên) và Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm).
Dàn dựng công phu theo kết cấu kiểu văn xuôi “truyện lồng trong truyện”, lớp 11G1 đã đưa mọi người bước ra từ chính ngôi nhà của mình, hòa vào thiên nhiên đất trời, cây cỏ và thong thả cùng lắng nghe những câu chuyện từ “ngày xửa ngày xưa”, về những người vô danh mà vĩ đại vì “Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm / Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”… Phần kết của tiết mục đã khiến cả hội trường vỡ òa trước hình tượng Đất Nước tuyệt đẹp, duyên dáng, dịu dàng mà kiêu hãnh. Có tình yêu nào hơn tình yêu Đất Nước! Tiết mục đạt giải Đặc biệt – ấn tượng đặc biệt, hình tượng đặc biệt, tình cảm đặc biệt, hình thức nghệ thuật đặc biệt… Xin cám ơn tập thể lớp 11G1 vì năm học trước, các con cũng giành giải Đặc biệt từ tiết mục “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung).
Tiết mục Đất Nước – lớp 11G1
Và tiết mục mang vẻ “bề thế” hơn, “dài hơi” hơn của tập thể lớp 11G2 khi tái hiện thành công hành trình vĩ đại của vị lãnh tụ Cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong “Người đi tìm hình của nước” (Chế Lan Viên). Từ giọng đọc trầm ấm, đầy truyền cảm đến hình tượng nhân vật chính được khắc họa trong những không gian, những bối cảnh chính trị khác nhau, khán giả được sống trong những năm tháng không thể nào quên của lịch sử…. Từ giây phút “Đất Nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi” khi người thanh niên yêu nước ấy khắc khoải những câu hỏi “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây? / Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây? Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao? Nụ cười sẽ ra sao? Ơi độc lập”, đến những giây phút thiêng liêng Người gặp luận cương của Lê nin, rồi trở về quê Việt, lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám, đọc Tuyên ngôn Độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Tình yêu lãnh tụ hòa quện trong tình yêu Đảng, yêu Nhân dân, yêu Đất nước! Có sự hóa thân nào xúc động hơn thế, thiêng liêng hơn thế?
Tiết mục Người đi tìm hình của nước – lớp 11G2
Hướng tới kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020), với những tiết mục này, thầy và trò trường THCS – THPT Newton xin góp “một nốt trầm xao xuyến” vào bản đại hợp xướng của toàn dân tộc trong những ngày tháng trọng đại và thiêng liêng.
Chương trình Gala sân khấu tác phẩm văn học mùa 6 của khối THPT, trường THCS- THPT Newton đã dừng lại, nhưng ấn tượng đẹp đẽ của buổi diễn vẫn lan tỏa và ấm nóng trong tâm trí của người xem và người tham gia. Đó là những buổi học Văn thành công vì người học đã vận dụng thành công, người dạy đã định hướng thành công như ý kiến của Alfred Adler: “Người dạy học phải tin vào sức mạnh tiềm tàng của học trò, và anh ta phải nỗ lực hết sức để giúp học trò mình trải nghiệm được sức mạnh này”.
Newton, ngày 13 tháng 1 năm 2020
Bài và ảnh : Hà Thị Hòa